Tin nổi bật

tuyên tuyền về chế độ, chính sách người có công

Giải quyết chính sách với người có công trên tinh thần khẩn trương nhất

 Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH Đào Ngọc Dung đã khẳng định như vậy khi trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra sáng 15/8. Theo Chương trình, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ dành trọn một ngày để tiến hành chất vấn các Bộ trưởng, trưởng ngành.

Giải quyết chính sách với người có công trên tinh thần khẩn trương nhất

Trả lời câu hỏi của đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) về sửa đổi Pháp lệnh Người có công và một số trường hợp cụ thể liên quan đến việc công nhận liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, theo Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật mà Chính phủ đã đăng ký với Quốc hội và Thường vụ Quốc hội, trong kế hoạch vào tháng 10, Bộ LĐ-TBXH sẽ trình với Chính phủ cho ý kiến về sửa đổi Pháp lệnh Người có công và tháng 12 sẽ chính thức trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
“Thời gian vừa qua, chúng tôi cùng với Ủy ban các vấn đề xã hội đã tiến hành tất cả các công việc liên quan đến việc sửa đổi Pháp lệnh Người có công và đến giờ này về cơ bản đã đảm bảo đúng tiến độ. Hiện chúng tôi đã lấy xong ý kiến của các ngành, các cấp, các địa phương và đang lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân. Bộ cũng đã gửi trực tiếp Dự thảo sửa đổi Pháp lệnh đến tất cả cá đoàn đại biểu Quốc hội của các tỉnh thành để xin ý kiến, tinh thần là chúng tôi sẽ thực hiện đúng thời hạn là sẽ trình Thường vụ Quốc hội vào tháng 12”, Bộ trưởng thông tin.
Giải quyết chính sách với người có công trên tinh thần khẩn trương nhất - Ảnh 2
Đại biểu Trương Minh Hoàng chất vấn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung
Về trường hợp truy tặng liệt sĩ ở Cà Mau mà đại biểu đề cập, Bộ trưởng cho biết, đây là trường hợp rất cá biệt, Bộ đã trình Thủ tướng và đang xin Thủ tướng cho phép ban hành một văn bản với những trường hợp có tính chất cá biệt và vướng mắc bởi trong văn bản quy phạm pháp luật hiện nay không có quy định cụ thể về cách thức xử lý với những trường hợp như thế.
Liên quan đến trường hợp Mẹ liệt sĩ có nuôi một con nuôi và nuôi cháu mà không được công nhận là Mẹ Việt Nam anh hùng, theo Bộ trưởng việc sửa đổi Pháp lệnh Bà mẹ Việt Nam anh hùng không không thuộc thẩm quyền của Bộ LĐ-TBXH mà thuộc thẩm quyền của Bộ Nội vụ, “tuy nhiên trong quá trình thực hiện chính sách thấy có vướng mắc, chúng tôi cũng phát hiện ra và cũng đã kiến nghị. Bộ Nội vụ đã tiếp thu ý kiến và đã thống nhất với Bộ Quốc phòng và chúng tôi sẽ trình Chính phủ báo cáo với Thường vụ Quốc hội. Tinh thần là đối với người có công, chúng tôi sẽ làm khẩn trương nhất để đáp ứng được được nguyện vọng thiết tha của người dân”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Nguồn: http://www.molisa.gov.vn/Pages/tintuc/chitiet.aspx?tintucID=219407

 

Các tin liên quan: