Tin nổi bật

Tuyên truyền về vệ sinh, môi trường, rác thải

Nghề làm sạch phố phường

Thứ Sáu, 13/09/2019, 09:12 [GMT+7]

Cuộc sống bộn bề có biết bao công việc để lựa chọn. Có những công việc vất vả, mệt nhọc, có những con người vẫn ngày đêm miệt mài lao động, mặc đêm hè, đêm đông gió rét. Đâu đó, trên từng con đường, ngõ xóm, các chị lao công vẫn âm thầm quét rác để đường phố thêm sạch đẹp.

Chị Nguyễn Thu Hương (tổ quét rác số 2, khu vực Hạ Long) tại điểm tập kết rác thuộc phường Hồng Hải
Chị Nguyễn Thu Hương (tổ quét rác số 2, khu vực Hạ Long) tại điểm tập kết rác thuộc phường Hồng Hải (TP Hạ Long).

Chúng tôi gặp chị Nguyễn Thu Hương, thuộc tổ quét số 2, khu vực Hạ Long, Công ty CP Đầu tư và Phát triển môi trường đô thị Quảng Ninh, khi trời sắp đổ mưa, tại một điểm tập kết rác thuộc phường Hồng Hải (TP Hạ Long). Người phụ nữ có dáng người nhỏ nhắn, gương mặt ưa nhìn ấy đã gắn bó 10 năm với công việc này. Ca 1 của chị thường bắt đầu từ 4 giờ sáng, kết thúc lúc 12 giờ trưa. Ca 3 từ 20 giờ cho đến 2-3 giờ sáng. Chị Hương tâm sự: “Tôi bước chân vào nghề này khi con gái nhỏ vừa tròn 2 tuổi. Suốt 10 năm ấy đã trải qua biết bao buồn vui, tủi nhục".

Theo chị Hương, lượng rác ngày lễ, Tết nhiều gấp 3-4 lần so với ngày thường và buổi chiều luôn nhiều rác hơn buổi sáng. Nỗi ám ảnh lớn nhất đối với các chị không phải là những trưa hè oi nóng, hay những đêm đông lạnh giá cắt da cắt thịt, mà là những ngày mưa bão, cành, lá cây rụng quét hoài không sạch, rồi sau đó phải mất nhiều ngày để xử lý số bùn đất, cát đá bị trôi xuống từ các công trình xây dựng.

Khi được hỏi về thái độ của các con, chị Hương trầm ngâm: “Tôi có hai cô con gái. Nhiều hôm đi làm về chưa kịp thay đồ, nhưng con gái vẫn ôm chầm lấy mẹ rồi nói “con chẳng thấy mẹ hôi chút nào”. Chỉ vậy thôi cũng khiến tôi cảm thấy được an ủi rất nhiều”.

Chị Lê Thị Trâm (tổ quét số 2, khu vực Hạ Long) đẩy xe rác nặng trịch
Chị Lê Thị Trâm (tổ quét số 2, khu vực Hạ Long) dồn sức đẩy xe rác qua đoạn đường lầy.

Thế nhưng, không phải ai cũng may mắn như chị Hương. “Nhiều đứa trẻ tỏ ra coi thường, xấu hổ với công việc của mẹ. Có lần, cậu con trai lớp 10 của một chị trong tổ phải nhập viện, nhưng cậu bé từ chối mẹ lên chăm vì không muốn ai thấy mẹ làm công nhân dọn rác. Có nhiều đứa trẻ khi khai lý lịch nhất định không ghi nghề nghiệp của mẹ vì bản thân cảm thấy xấu hổ. Thật ra, người ngoài nghĩ gì không quan trọng, nhưng thái độ của con cái khiến chúng tôi bị tổn thương rất nhiều”, chị Lê Thị Trâm, phường Hà Phong (tổ quét số 2, khu vực Hạ Long) buồn bã nói.

Mới đi làm được 2 năm, chị Trâm cũng đã dần quen với cách mà mọi người đối xử với những công nhân quét rác như các chị. “Lúc đầu cũng bức xúc lắm, nhưng rồi cũng chẳng biết làm sao, vì chủ yếu do ý thức của nhiều người dân không tốt. Xe rác đặt ngay đó nhưng người ta chẳng bỏ rác vào, thậm chí ném rác từ tầng 3 xuống suýt trúng người, túi rác rách tung ra, chúng tôi lại phải quét lại. Lắm khi người ta gọi “rác ơi!”.

Tổ quét số 2 khu vực Hạ Long, Công ty CP Đầu tư và Phát triển môi trường đô thị Quảng Ninh có trên 30 người, có những người chuẩn bị được hưởng chế độ đã không thể chờ nổi sổ hưu. Vì thế, công việc của mỗi công nhân lại nhiều hơn một chút, những khi cần chẳng thể đổi ca với ai.

Không phải cứ tay cầm chổi, xẻng là có thể biết cách dùng ngay
Các chị phải học lẫn nhau từ cách đẩy xe sao cho đi thẳng, cách bó chổi, dùng chổi để quét sao cho sạch mà không mất quá nhiều sức lực.

Với đồng lương ít ỏi 160.000 đồng/ngày công, thêm các khoản phụ cấp công nghiệp, độc hại, mỗi công nhân nhận về 4,2 triệu đồng/tháng. Các chị chia sẻ, mỗi tháng, phải tự bỏ tiền mua chổi để quét, công ty chỉ cấp xẻng và xe. Hàng ngày phải tiếp xúc trực tiếp với rác thải, mùi hôi thối, công nhân hầu hết là nữ, nhưng 10 năm làm nghề, các chị chưa từng một lần được công ty tổ chức cho khám sức khỏe. “Có hôm đi làm về, chắc do đẩy xe rác nặng quá, người tôi đau ê ẩm, nhức xương. Nhiều hôm người không khỏe, ngửi mùi rác chỉ muốn ói chứ không muốn làm gì”, chị Đỗ Thị Dinh, phường Hà Lầm (tổ quét số 2) chia sẻ.

Mặc dù công việc vất vả là thế, nhưng, vượt lên trên tất cả, các chị luôn tự động viên nhau cố gắng hoàn thành tốt công việc của mình. Bởi “Nghề nào cũng đáng quý, chỉ cần làm ăn chân chính, Hơn nữa, mình đang góp phần làm đẹp cho đời, chỉ cần thế là đủ rồi”- chị Nguyễn Thu Hương vui vẻ nói.

                                                                                                                                  Hằng Ngần
Nguồn: 
http://www.baoquangninh.com.vn/doi-song/201909/nghe-lam-sach-pho-phuong-2454151/

Các tin liên quan: