Tin nổi bật

Tuyên truyền về vệ sinh, môi trường, rác thải

Khẩn trương hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi

Thứ Ba, 17/09/2019, 15:14 [GMT+7]

Ngoài tập trung phòng chống dịch tả lợn châu Phi, hiện nay các địa phương của Quảng Ninh còn đang khẩn trương chi trả tiền hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại do đại dịch này. Bên cạnh đó, để sớm khôi phục và ổn định sản xuất, ngành Nông nghiệp cũng khuyến cáo người chăn nuôi không nên tái đàn lợn vào thời điểm này mà cần chuyển đổi sang các mô hình cây, con giống phù hợp.

22
Nhận tiền hỗ trợ thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi, gia đình ông Vũ Văn Biển (thôn 14, xã Hiệp Hòa, TX Quảng Yên) đã đầu tư nhân rộng mô hình chăn nuôi gà.

Hỗ trợ đúng đối tượng

Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT) tính đến hết ngày 11/9/2019, bệnh tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 16.097 hộ (161/168 xã, phường) với hơn 139.500 con lợn ốm, chết buộc phải tiêu hủy. Về diễn biến dịch tả lợn châu Phi đang có những chiều hướng tích cực, giảm cả về số hộ có lợn mắc bệnh (trung bình dưới 5 hộ/ngày) và số lượng lợn các loại phải tiêu hủy trong ngày. Hiện toàn tỉnh đã có 3 huyện là Ba Chẽ, Bình Liêu, Tiên Yên và 125 xã, phường xuất hiện dịch tả lợn châu Phi qua 30 ngày không phát sinh dịch bệnh.

Tuy nhiên, cũng có 8/14 địa phương với 21 xã, phường có dịch bệnh đã qua 30 ngày nhưng sau đó lại phát sinh lợn bệnh trở lại. Hiện tại, các địa phương đang triển khai đồng bộ giải pháp phòng chống dịch tả lợn châu Phi, song song với đó, hỗ trợ kịp thời cho người chăn nuôi có lợn bị nhiễm dịch buộc tiêu hủy.

Đông Triều là địa phương có tổng đàn lợn mắc dịch tả lợn châu Phi nhiều nhất tỉnh với 3.365 hộ có lợn nhiễm dịch, tổng số lợn tiêu hủy gần 42.000 con. Tính đến hết ngày 13/9/2019, TX Đông Triều đã giải ngân chi trả cho 880 hộ với số tiền hơn 24 tỷ đồng (đạt 26,1%). Ngoài ra, trong 2 ngày 30/8 và 1/9, TX Đông Triều cũng đã phê duyệt phương án hỗ trợ cho 1.012 hộ có lợn bị dịch tả lợn châu Phi.

Ông Đặng Đình Thắng, Trưởng Phòng Kinh tế TX Đông Triều cho biết: Hiện nay, thị xã đang yêu cầu các xã, phường tập trung triển khai quyết liệt công tác phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Đồng thời, khẩn trương thực hiện quy trình, thủ tục xét duyệt hỗ trợ và giám sát chặt chẽ việc thực hiện chính sách hỗ trợ cho người chăn nuôi có lợn tiêu hủy đảm bảo đúng quy định, tuyệt đối không để xảy ra việc lợi dụng chính sách hỗ trợ của nhà nước để trục lợi; thống kê, kiểm tra, lập biên bản tiêu hủy lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi theo từng giai đoạn, thời điểm, đảm bảo chính xác, đúng người, đúng việc và niêm yết công khai theo quy định.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, tính đến ngày 11/9/2019, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt hỗ trợ thiệt hại theo từng đợt cho người dân và thực hiện niêm yết công khai theo quy định được 7.242 hộ với kinh phí hỗ trợ gần 120 tỷ đồng. Đã thực hiện chi trả tiền cho 3.070 hộ (đạt 19% số hộ có lợn nhiễm dịch) với kinh phí hỗ trợ hơn 71,2 tỷ đồng. Trong đó, một số địa phương có tỷ lệ số hộ đã nhận được hỗ trợ cao là: Uông Bí 88,6%, Cẩm Phả 87,6%, Móng Cái 59,2%, Cô Tô 51,5%, Hạ Long 51,6%. Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương có tỷ lệ giải ngân rất thấp, như: Hoành Bồ, Vân Đồn (chưa chi trả tiền hỗ trợ cho hộ dân nào); Tiên Yên 7,4%, Hải Hà 0,2%, Đầm Hà 0,06%.

Để đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi, các địa phương sẽ thực hiện thẩm định, giải ngân theo cách cuốn chiếu, không chờ đợi; phân khoảng thời gian ban hành các quyết định phê duyệt hỗ trợ một cách kịp thời, tránh lãng phí thời gian chờ đợi. Qua đó, sớm chi trả tiền hỗ trợ đến tay người chăn nuôi bị thiệt hại; giúp họ có vốn khôi phục sản xuất đầu tư các mô hình cây, con giống mới để sản xuất.

22
Mô hình chăn nuôi thỏ của gia đình ông Nguyễn Hồng Khanh (xã Tân Việt, TX Đông Triều).

Chủ động chuyển đổi vật nuôi phù hợp

Gia đình ông Nguyễn Hồng Khanh, thôn Hổ Lao là một trong những hộ chăn nuôi lợn theo mô hình trang trại lớn ở xã Tân Việt (TX Đông Triều). Tháng 5/2019, toàn bộ số lợn nái trong chuồng nuôi của gia đình ông bị tiêu hủy hết do dịch tả lợn châu Phi càn quét. Mặc dù cuối tháng 9/2019, gia đình ông mới nhận tiền hỗ trợ thiệt hại, nhưng với quyết tâm không để chuồng trại bị “treo” lâu ngày, tháng 7/2019, ông Khanh đã chủ động đầu tư hơn 100 triệu đồng vào mô hình chăn nuôi thỏ.

Ông Khanh cho biết: Lúc đầu khi đàn lợn bị tiêu hủy, gia đình tôi vẫn còn tư tưởng chờ hết dịch sẽ tái đàn nuôi trở lại. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, chưa dứt hẳn, gia đình tôi đã quyết định cải tạo chuồng lợn đầu tư nuôi thử 70 con thỏ sinh sản. Sau hơn 2 tháng nuôi thử, đến nay đàn thỏ đang sinh trưởng, phát triển tốt, dự kiến đầu tháng 10 sẽ bắt đầu sinh sản. Sắp tới, nếu mô hình thành công, gia đình tôi sẽ nhân rộng quy mô nuôi khoảng 200 con thỏ giống sinh sản và đầu tư nuôi thêm 200 con chim bồ câu Pháp để thay thế hẳn mô hình nuôi lợn trước đây. Cả hai mô hình nuôi thỏ và chim đều có tính khả thi, bởi nhu cầu thị trường cao. Hiện thương lái ký tiêu thụ đầu ra cho mô hình chăn nuôi thỏ với giá bình quân 70.000-80.000 đồng/kg nên gia đình tôi cảm thấy rất yên tâm. Đây là những bước chuẩn bị để gia đình khôi phục lại sản xuất sau đại dịch tả lợn châu Phi.

Có thể thấy, thời điểm này là lúc các địa phương đang đẩy nhanh giải ngân vốn hỗ trợ thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi cho các hộ chăn nuôi, vì vậy, sau khi nhận tiền hỗ trợ, nhu cầu đầu tư phát triển các mô hình sản xuất sẽ rất cao. Các địa phương cũng đang vận động, hướng dẫn hộ dân nuôi lợn chuyển sang nuôi gia cầm, thủy cầm… ở những vùng đã được quy hoạch.

Ông Trần Xuân Đông, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT) khuyến cáo: Trong giai đoạn dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp, bà con tuyệt đối không được tái đàn lợn; chỉ thực hiện tái đàn khi được cơ quan chuyên môn cho phép. Để khôi phục sản xuất, ngành Nông nghiệp khuyến khích người dân chuyển đổi sang các mô hình chăn nuôi phù hợp với từng thế mạnh địa phương. Tuy nhiên, khi chuyển đổi mô hình, chuồng trại chăn nuôi cần được cải tạo phù hợp; giống, vật nuôi phải được kiểm soát chặt chẽ và cần chủ động học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi. Bên cạnh đó, các hộ không nên tái đàn ồ ạt gây khan hiếm con giống, khó kiểm soát dịch bệnh và phải tính toán kỹ đầu ra thị trường ổn định.

                                                                                                                                                Phạm Tăng
Nguồn:
http://www.baoquangninh.com.vn/kinh-te/201909/khan-truong-ho-tro-nguoi-chan-nuoi-bi-thiet-hai-do-dich-ta-lon-chau-phi-2454570/

Các tin liên quan: